KỸ THUẬT THI CÔNG ĐIỆN NƯỚC CÔNG TRÌNH DÂN DỤNG

1. Kỹ thuật thi công điện nước là gì?

Thi công hệ thống điện nước trong công trình xây dựng nói chung được chia làm các phần là:

1.1 Kỹ thuật thi công hệ thống điện.

1.1.1 Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt ống và dây điện.

  • Dây điện trong công trình phải được bọc ít nhất 2 lớp cách điện.  Tuyệt đối không dùng dây điện trần.
  • Bố trí ống điện đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống âm nên việc sửa chữa là rất phức tạp, vì thế cần sự bố trí chính xác và hợp lý ngay từ đầu.
  • Không nên cắt đục cột bê tông để đi ống điện âm tường.
  • Cần tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc chọn tiết diện dây dẫn điện. Đảm bảo nguyên tắc trong quá trình đấu nối, tránh rò rỉ gây mất an toàn. Sử dụng dây dẫn quá nhỏ, không phù hợp với công suất của thiết bị có thể gây chập, cháy nổ vô cùng nguy hiểm.
  • Việc tính toán đặt các thiết bị sử dụng điện phải được lưu ý ngay từ đầu. Tránh tình trạng khi đưa thiết bị vào lại không phù hợp hoặc không có nguồn đấu nối.
  • Sau khi trát xong tường và sàn sẽ kéo dây. Chỉ được nối dây tại đế âm hoặc các hộp nối và được cuốn băng dính cách điện cẩn thận. Tuyệt đối không nối dây trong ống sẽ rất nguy hiểm.

1.1.2 Yêu cầu kỹ thuật lắp thiết bị điện.

  • Đặt cao độ của ổ cắm hợp lý để thuận tiện trong sử dụng và an toàn cho trẻ nhỏ.
  • Trước khi lắp đặt thiết bị điện, cần phải kiểm tra dây xem có thông mạch, có bị chạm chập trong quá trình kéo dây không.
  • Sau khi lắp đặt thiết bị điện hoàn tất thì kiểm tra vận hành thử. Sử dụng Ampe kìm kiểm tra dòng từng pha, sau đó cân chỉnh dòng pha nhằm bảo đảm sự cân bằng pha trong hệ thống.
  • Sau khi lắp đặt xong các thiết bị vào tủ điện, phải kiểm tra độ cách điện, dòng rò ra vỏ tủ, đảm bảo an toàn điện và thiết bị điện.
  • Với các thiết bị điện nhẹ lắp đặt phải đảm bảo mỹ quan, đảm bảo hiệu năng sử dụng. Khi lắp đặt xong phải chạy thử và cài đặt hệ thống đầy đủ.

1.1.3 Một số thông số cần nhớ trong quá trình thi công hệ thống điện dân dụng.

  • Các ổ cắm trong các phòng đều được lắp ở cao độ 0.4m (tính từ cao độ hoàn thiện tới tim ổ).
  • Ổ cắm tầng hầm hoặc tầng 1 nên để cao độ 1.3m
  • Các công tắc được lắp ở cao độ 1.3~1.4m
  • Đáy tủ điện cách mặt nền hoàn thiện 1.3m
  • Ổ cắm máy giặt sử dụng loại chống thấm cách nền hoàn thiện 1.2.

1.2 Kỹ thuật thi công hệ thống cấp nước.

1.2.1 Yêu cầu kỹ thuật thi công ống cấp nước.

  • Trước khi lắp đặt cần tính toán lên sơ đồ cấp nước, lựa chọn đường kính ống cấp nước phù hợp để đủ áp lực nước và không lãng phí. Lựa chọn tuyến cấp nước sao cho ngắn nhất và an toàn nhất cho việc vận hành.
  • Ống cấp nước trong công trình sử dụng ống PPR. Vị trí lắp đặt ống cấp nước âm tường cần được tính toán cẩn thận tránh khi lắp đặt thiết bị khoan vào ống nước.
  • Mỗi một khu vực dùng nước như là 1 khu vệ sinh hoặc 1 khu bếp phải có 1 van khóa để thuận lợi trong việc vận hành và sửa chữa sau này.
  • Trong quá trình lắp đặt luôn có biện pháp bảo vệ ống. Không để các dị vật vào trong ống làm bẩn ống và tắc ống.
  • Khi hàn ống lưu ý không hàn quá nhiệt, vì sẽ làm hẹp tiết diện ống, giảm áp lực nước và dễ gây tắc ống. Cũng không được hàn thiếu nhiệt vì sẽ không đủ nhiệt thẩm thấu, dễ bị rò mối hàn.
  • Các vị trí đặt chờ cấp nước cho các thiết bị vệ sinh phải đảm bảo phù hợp và thuận tiện cho lắp đặt về sau.
  • Lắp ống xong cần phải tiến hành thử áp lực đường ống cấp nước. Với công trình dân dụng dưới 10 tầng áp lực thử là 5kg/cm2. Trong quá trình thử kiểm tra đảm bảo toàn bộ đường ống không rò rỉ.

1.2.2 Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt thiết bị vệ sinh.

  • Yêu cầu về men phủ trên bồn cầu, lavabo, tiểu nam. Bề mặt chính phải phủ men sáng bóng đều toàn bộ. Không được có vết nứt trên sản phẩm.
  • Các vị trí kết nối với đường ống cấp nước và thoát nước không được phép rò rỉ nước ra ngoài.
  • Trước khi bàn giao thiết bị cho chủ đầu tư cần kiểm tra và vận hành thử thiết bị để phát hiện và khắc phục các lỗi lắp đặt.

1.2.3 Kỹ thuật thi công hệ thống thoát nước.

  • Ống thoát nước sử dụng trong nhà là ống UPVC. Để hạn chế tắc ống thì đường kính ống sử dụng phải đủ lớn. Ống càng lớn thì thoát nước càng an toàn nhưng lại tốn tiền và tốn không gian. Vậy thì chọn đường kính ống như nào cho an toàn và tiết kiệm kinh tế?Đối với các công trình lớn cần phải lên sơ đồ thoát nước, phân vùng thoát nước. Sau đó mới tính toán lưu lượng để lựa chọn đường kính ống phù hợp. Còn đối với công trình nhỏ thường sẽ chọn theo kinh nghiệm như sau:

– Ống thoát xí (thoát bồn cầu) tối thiểu ống D110, nếu tuyến ống thoát xí có từ 3-5 xí thì ống sẽ là D125.

– Ống thoát chậu rửa mặt (lavabo) D42

– Ống thoát sàn nhà vệ sinh D75 hoặc D90 (với nhà vệ sinh nhỏ dùng 1 thoát sàn D75, nhà vệ sinh lớn dùng 2 thoát sàn D75 hoặc D90)

– Ống thoát nước bồn tắm dùng ống D75.

– Ống thoát nước máy giặt và thoát nước chậu rửa bát dùng ống D60 hoặc D75.

– Ống thoát gom nhà vệ sinh thường chọn là ống D75 hoặc D90. Và phải đảm bảo theo nguyên tắc: Đường kính ống sẽ lớn dần theo chiều nước chảy.

  • Đảm bảo độ dốc tối thiểu của đường ống để thoát nước thuận tiện.
  • Khi lắp đặt xong đường ống thoát nước cần tiến hành thử kín để sớm phát hiện các rò rỉ.

2. Vì sao phải thực hiện đúng kỹ thuật khi thi công điện nước công trình?

Nhiều người cho rằng trong công trình chỉ cần điện sáng nước chảy là đủ. Việc quan tâm tới lắp đặt có đúng kỹ thuật hay không là không cần thiết. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi vì, rủi ro với công trình là vô cùng lớn. Việc này thậm chí còn có thể nguy hiểm tới tính mạng con người. Thực tế ở Việt Nam đã có rất nhiều các vụ rò rỉ điện giật chết người, mà nguyên nhân trực tiếp là lắp đặt hệ thống điện không đúng kỹ thuật, không đảm bảo an toàn.

Chắc hẳn bạn đã từng trải qua việc đường ống thoát nước bị tắc. Trong quá trình hơn 10 năm thi công và bảo trì hệ thống điện nước công trình, chúng tôi nhận thấy 90% nguyên nhân làm cho đường ống tắc là do lỗi lắp đặt. Chỉ có 10% lỗi do quá trình sử dụng mà thôi.

Vì thế thực hiện đúng kỹ thuật thi công điện nước là yêu cầu bắt buộc để tránh các sự cố không mong muốn về sau trong quá trình sử dụng.

3. Kinh nghiệm thi công điện nước đúng kỹ thuật.

Để thi công điện nước an toàn, đúng kỹ thuật và tiết kiệm chi phí thì việc đầu tiên cần làm là lên phương án thiết kế bản vẽ thi công điện nước.

Đây là việc làm vô cùng quan trọng giúp bạn sớm loại bỏ các chi tiết thừa. Và bổ xung nhưng cái thiếu trong công trình. Việc này còn giúp bạn tính toán được chi phí đầu tư ban đầu và tiết kiệm được chi phí phát sinh không đáng có. Thiết kế điện nước đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn tốt và đã trải qua nhiều công trình khác nhau. Vì thế nếu bạn không có chuyên môn hãy thuê đơn vị tư vấn thiết kế chuyên nghiệp họ sẽ làm giúp bạn.

Bước tiếp theo là triển khai thi công và giám sát thi công. Thực hiện đúng trình tự thi công và đúng theo bản vẽ thi công đã được phê duyệt. Qua từng công đoạn đều phải thực hiện công tác kiểm tra như đã nêu ở trên.

Leave Comments

0924.084.000
0924.084.000